Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam - 25 năm xây dựng và phát triển

24/09/2014 15:04     Tin tức ngành thuốc lá

Ngày 15/8/2014, tại Khách sạn Melia, Hà Nội, Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam đã tổ chức Lễ đón nhận  Huân chương Lao động hạng Nhất và Kỷ niệm 25 năm ngày thành lập Hiệp hội. Đến dự buổi lễ có Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa cùng đại diện các Bộ, Ban Ngành TW và lãnh đạo các địa phương, toàn thể các đơn vị hội viên Hiệp hội, các thế hệ lãnh đạo Hiệp hội qua các thời kỳ, đông đảo các cơ quan thông tấn báo chí….

Là một trong những hiệp hội ngành nghề ra đời đầu tiên của cả nước, qua 25 năm xây dựng và phát triển, Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam đã thực sự trở thành cầu nối và niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp thuốc lá, đóng góp đáng kể vào sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Trải qua 6 kỳ đại hội, Hiệp hội đã từng bước ổn định, củng cố tổ chức, phát triển và hội nhập mạnh mẽ. Số lượng hội viên đã tăng lên nhanh chóng, từ 25 hội viên ban đầu đến nay đã bao gồm 64 hội viên, tập hợp được hầu hết các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thuộc lĩnh vực thuốc lá: sản xuất nguyên liệu, phụ liệu, thuốc lá điếu, dịch vụ thương mại … gồm các thành phần kinh tế Nhà nước, tư nhân, doanh nghiệp nước ngoài.

 

 

Hiệp hội đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng các danh hiệu cao quý: Huân chương Lao động hạng Nhì, Huân chương Lao động hạng Ba; được Chính phủ, Bộ Công Thương tặng nhiều bằng khen. Các hội viên: Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam-Vinataba đã được tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh; Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn, Tổng công ty Khánh Việt, Tổng công ty CNTP Đồng Nai, Vinataba Sài Gòn, Vinataba Thăng Long đã được tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Lao động cùng nhiều bằng khen của các Bộ ngành, địa phương. Kỷ niệm 25 năm ngày thành lập, Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất của Chủ tịch nước trao tặng cho những thành tích xuất sắc đóng góp vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

 

 Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa nhiệt liệt biểu dương và đánh giá cao những thành tích của Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam trong những năm qua và nhấn mạnh Hiệp hội Thuốc lá là một trong những hiệp hội ngành nghề ra đời sớm và hoạt động có hiệu quả trong ngành Công Thương. Trước những yêu cầu của thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa đề nghị Hiệp hội cần nghiên cứu, đẩy mạnh phát triển các loại nguyên phụ liệu có chất lượng, chuyển dịch cơ cấu sản phẩm thuốc lá sang trung và cao cấp; Tiếp tục phát huy vai trò là cầu nối, là tiếng nói đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp ngành thuốc lá, đoàn kết giữa các hội viên, có chiến lược phát triển phù hợp cho ngành để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, cạnh tranh với sản phẩm nhập lậu, từng bước đẩy mạnh xuất khẩu; Tích cực phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước đẩy mạnh công tác chống buôn lậu thuốc lá; tham gia xây dựng chính sách vĩ mô, để ngành thuốc lá phát triển đúng chủ trương, định hướng của Nhà nước.

 

 

Thành tích tiêu biểu của Hiệp Hội trong 25 năm xây dựng và phát triển

 

Đã từng bước xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu để đáp ứng nhu cầu sản xuất trong nước và xuất khẩu nguyên liệu; thông qua việc phát triển vùng trồng cây thuốc lá đã góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo công ăn việc làm thu nhập ổn định cho trên 2 triệu người lao động, tham gia phát triển khu vực nông nghiệp, nông thôn và tạo ra nhiều cơ hội cho người nông dân ở các vùng trồng thuốc lá trên cả nước, đặc biệt là ở các vùng sâu vùng xa….góp phần giữ vững an ninh quốc phòng.

 

Trước đây, phần lớn các vùng trồng thuốc lá đều trong tình trạng kém phát triển, việc trồng thuốc lá dựa vào kinh nghiệm dân gian là chính, nên thiếu cơ sở khoa học, dẫn đến chất lượng nguyên liệu không đáp ứng yêu cầu sản xuất. Vì vậy, mỗi năm nước ta phải tốn nhiều ngoại tệ để nhập khẩu nguyên liệu thuốc lá. 25 năm qua, kể từ khi Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam ra đời, các doanh nghiệp thuốc lá đã song hành với người nông dân, nghiên cứu giống, áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến trong trồng trọt, từ đó đã tạo ra những thay đổi căn bản vùng nguyên liệu thuốc lá. Đến nay đã hình thành được các vùng trồng nguyên liệu tập trung, ổn định, có năng suất cao, chất lượng tốt, dần thay thế được nguyên liệu nhập khẩu. Từ chỗ nguyên liệu trong nước chỉ đáp ứng được cho sản xuất sản phẩm thuốc lá thuốc lá cấp thấp nay đã đáp ứng được một phần cho sản xuất các mác thuốc lá tầm trung cao cấp; đã được các nhà máy sản xuất thuốc lá điếu trong nước đưa vào sử dụng với tỷ lệ sử dụng lên đến 60%.

 

Cây thuốc lá đã mang lại hiệu quả rõ rệt trong việc nâng cao đời sống cho người nông dân. Một ha thuốc lá có thể giải quyết việc làm cho 500 công lao động nông nghiệp trong một vụ với thu nhập bình quân 80-100 triệu/ha trong đó lợi nhuận bình quân là khoảng 30 triệu đồng/ha. Chính vì vậy, đối với những vùng sâu, vùng xa cây thuốc lá được đánh giá là cây xoá đói giảm nghèo đối với những hộ nghèo và là cây để làm giàu đối với những hộ nông dân tại các vùng chuyên canh thuốc lá, góp phần cải thiện kinh tế xã hội tại địa phương và tham gia thực hiện chủ trương phát triển kinh tế vùng sâu vùng xa của Đảng và Nhà nước, góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng tại các tỉnh biên giới.

 

Ngoài ra, các doanh nghiệp trong Hiệp hội đã kết hợp với chính quyền địa phương tại các vùng trồng thuốc lá đầu tư cơ sở hạ tầng như: đầu tư và cải tạo đường giao thông, hệ thống thủy lợi, trường học... , thực hiện các chương trình trách nhiệm xã hội như: trồng rừng, các chương trình dạy nghề, tập huấn kỹ thuật cho nông dân, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và bảo vệ môi trường, góp phần xây dựng nông thôn mới.

 

Ngành thuốc lá đã có những đóng góp tích cực vào ngân sách Nhà nước. Trong 25 năm qua, Hiệp hội TLVN đã nộp ngân sách tăng trung bình hàng năm là 20%/năm, gấp 191,6 lần sau 25 năm. Năm 1989 toàn ngành nộp NSNN 100,5 tỷ đồng, tương đương 18 triệu USD, đến năm 2013 con số nộp NSNN đã tăng lên 19.562,3 tỷ đồng, xấp xỉ 01 tỷ đô la Mỹ; trong đó 6 doanh nghiệp hội viên nộp ngân sách trên 1.000 tỷ đồng/năm và đều giữ vị trí chủ yếu nộp ngân sách của địa phương (TCT Công nghiệp Sài gòn, TCT Khánh Việt, Vinataba Sài gòn, Vinataba Thăng Long, TCT CNTP Đồng Nai, Vinataba – Philip Morris).

 

 

Xuất khẩu thuốc lá ngày càng được mở rộng về quy mô và kim ngạch. Các doanh nghiệp thuốc lá nội địa đã tích cực đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, chủ động hợp tác với các đối tác, bạn hàng quốc tế để tăng dần sản lượng và kim ngạch xuất khẩu. Nhiều sản phẩm thuốc lá Việt Nam đã xuất khẩu sang thị trường châu Á, châu Phi. Nếu năm 2007, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành chỉ đạt 64 triệu USD thì đến năm 2013, con số này đã tăng lên 185,6 triệu USD, tăng trưởng bình quân 19,4%/năm; trong đó Tổ hợp Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam có tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu cao, bình quân 22,6%/ năm trong giai đoạn 2009-2013, đến nay đã đạt trên 160 triệu USD.

 

Các doanh nghiệp trong Hiệp hội đã từng bước đầu tư đổi mới máy móc thiết bị, chuyển đổi nhanh chóng sang cơ giới hóa và tự động hóa, góp phần tăng sản lượng, năng suất và hiệu quả SXKD của doanh nghiệp. Nhờ quá trình hiện đại hóa công nghệ, cải tiến máy móc, thiết bị, chất lượng thuốc lá được đảm bảo, giảm dần hàm lượng tar, nicotine trong điếu thuốc, đặc biệt là thuốc lá đầu lọc và các loại thuốc lá trung, cao cấp tăng mạnh, cơ bản đã đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, góp phần hạn chế thuốc lá nhập lậu, qua đó hạn chế nhập siêu và giảm thất thoát ngoại tệ cho nền kinh tế. Tỷ trọng thuốc lá đầu lọc đã tăng từ 50% năm 1990 lên 98% năm 2004, và đến nay cơ cấu sản phẩm thuốc lá không đầu lọc tiêu thụ nội địa chỉ chiếm 0,18%, thuốc lá phổ thông 61,08%, thuốc lá trung-cao cấp 38,74%.

 

Nhiều sản phẩm thuốc lá nội địa đã khẳng định được chất lượng, thương hiệu trên thị trường, như: Vinataba, Thăng Long, Cotab, Sài Gòn, Du Lịch, Bastion của Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam; War Horse, Sea Bird, Prince Khatoco của Tổng công ty Khánh Việt; Khánh Hội, Chợ Lớn của Tổng công ty CN Sài Gòn; Trị An, Dona, Cokes của Tổng công ty CNTP Đồng Nai…. Bên cạnh đó là những sản phẩm sản xuất dưới hình thức nhượng quyền và hợp tác liên doanh như nhãn thuốc Marlboro, 555, Dunhill, Mild Seven (liên doanh với Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam); Craven”A”, Fine (Tổng Công ty CN Sài Gòn); White Horse, Everest (Tổng Công ty Khánh Việt); Bastos (Tổng Công ty CNTP Đồng Nai); Virginia Gold, Seven Diamonds (Công ty Thuốc lá Hải Phòng)… .

 

Kể từ khi thành lập cho đến nay, Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam đã luôn sát cánh cùng các cơ quan quản lý nhà nước trong cuộc chiến chống thuốc lá nhập lậu. Toàn ngành đã nỗ lực chống thuốc lá lậu bằng chính các sản phẩm của mình. Đó là nỗ lực củng cố thị trường của từng đơn vị trong Hiệp hội, xây dựng thương hiệu, phát triển sản phẩm có chất lượng cao, sản phẩm thay thế hàng nhập lậu, từng bước cạnh tranh mạnh mẽ để đẩy lùi thuốc lá nhập lậu. Đồng thời, Hiệp hội đã tích cực đóng góp kinh phí hỗ trợ cho công tác bắt giữ, tiêu hủy thuốc lá; trong giai đoạn 2007-2013, Hiệp hội đã đóng góp tổng số tiền 43,6 tỷ đồng cho các chương trình, hoạt động phòng chống thuốc lá lậu.

 

 Một số kiến nghị

 

Sau quá trình 25 năm phát triển, ngành thuốc lá Việt Nam đang đứng trước rất nhiều thách thức, trong đó lớn nhất hiện nay là thuốc lá lậu. Không chỉ riêng Hiệp hội mà tất cả các cơ quan nhà nước đều đang nỗ lực để từng bước đẩy lùi thuốc lá nhập lậu. Thuốc lá nhập lậu thường được vận chuyển qua đường biên giới Tây Nam (chủ yếu) và biên giới phía Đông Bắc nước ta, qua “tạm nhập, tái xuất”, và nhiều hình thức khác đã ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của ngành, đến an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng. Từ con số khoảng 400 triệu bao vào đầu năm 2000, đến năm 2013 lượng thuốc lá nhập lậu vào nước ta đã lên tới 850 triệu bao (chiếm khoảng 20% thị phần nội tiêu, làm thất thu ngân sách Nhà nước khoảng 6.500 tỷ đồng/năm). Sau khi thuốc lá sản xuất trong nước áp dụng in cảnh báo bằng hình ảnh 50% theo quy định của Luật phòng chống tác hại thuốc lá thì thuốc lá lậu tăng đột biến. Theo số liệu khảo sát của AC NIELSEN, thị phần thuốc lá lậu đã tăng lên 30-40% trong 6 tháng đầu năm 2014, chiếm 25,3% thị phần. Diễn biến của thuốc lá nhậu lậu rất phức tạp: nếu như trước đây thuốc lá lậu xuất hiện chủ yếu ở các tỉnh miền Tây, hiện nay đã xuất hiện thêm và lan tràn ở nhiều tỉnh miền Trung, miền Bắc trên phạm vi toàn quốc (ở đâu cũng có thể mua được thuốc lá lậu); Trước đây thuốc lá lậu chủ yếu là JET và HERO (giá 14.000đ) thì mới đây xuất hiện nhiều loại thuốc lá lậu mới với giá rất rẻ như: League, Luxury, Cambo, Ram, Rainson (giá từ 2.700 đồng – 4.000 đồng/bao), Mine, Gem (4.000đ), Golden Deer (9.000đ), Pin, Jun, Oris (9.500đ),… .Có thể nói thuốc lá lậu đã tăng đột biến cả về số lượng, chủng loại và địa bàn.

 

 

 Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển KTXH năm 2014, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước và góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Hiệp hội TLVN xin kính trình Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan chức năng xem xét một số kiến nghị:

1. Tạm thời chưa tăng thuế tiêu thụ đặc biệt và đẩy mạnh công tác chống buôn lậu thuốc lá vào thị trường Việt Nam để tăng thu cho ngân sách nhà nước. Sau khi đã ngăn chặn được đáng kể lượng thuốc lá nhập lậu, sẽ xem xét tăng thuế suất thuế TTĐB theo lộ trình tăng dần, phù hợp với tình hình thực tế. Hiệp hội TLVN xin kiến nghị lộ trình tăng thuế TTĐB thuốc lá như sau:

- Tăng lên 70% từ năm 2018;

- Xem xét lần tăng thuế tiếp theo sau 5 năm, mức tăng không quá 5%.

 2. Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành Chỉ thị về việc tăng cường phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hoạt động vận chuyển, tàng trữ, buôn bán thuốc lá điếu ngoại nhập lậu; Chỉ đạo các cơ quan chức năng và các địa phương triển khai khẩn trương, toàn diện, kiên quyết chống buôn lậu thuốc lá ở cả đầu vào và đầu ra như Chính phủ đã làm trong những năm 1990. Ngăn chặn buôn lậu thuốc lá tại các cửa khẩu, các tuyến biên giới; đồng thời kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các cửa hàng, tụ điểm, đối tượng lưu trữ, vận chuyển buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu trên thị trường.

 3. Thủ tướng Chính phủ cho dừng việc tái xuất thuốc lá nhập lậu bị tịch thu theo quy định Công ước khung về kiểm soát thuốc lá (FCTC) của Tổ chức Y tế thế giới. Hiệp hội TLVN và các doanh nghiệp trong ngành thuốc lá Việt Nam cam kết hỗ trợ kinh phí cho các lực lượng chức năng chống buôn lậu và tiêu hủy thuốc lá theo quy định của pháp luật.

 4. Thủ tướng Chính phủ ủy quyền cho Bộ Công Thương điều chỉnh lộ trình giảm tar, nicotine trong thuốc điếu phù hợp với thói quen tiêu dùng, gout hút và tình hình thực tế hiện nay. Cụ thể như sau:

Chỉ tiêu

2010-2015

2015-2020

* Tar (mg/điếu)

* Nicotine (mg/điếu)

≤18,0

≤1,6

≤16

≤1,4

 Hiệp hội Thuốc lá sẽ sát cánh cùng các doanh nghiệp trong ngành nỗ lực đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, chiếm lĩnh thị phần của thuốc lá nhập lậu và tăng thu cho ngân sách nhà nước.

Nguồn Vinataba.com.vn

Các bài viết khác